Khoa học - công nghệ Khoa học - công nghệ

Ký ức Điện Biên Phủ đối với CCB Đào Duy Nhất người về từ Hồng Cúm
Ngày đăng 06/05/2024 | 17:03  | Lượt xem: 838

   Ký ức Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi trong thế kỷ XX. 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người lính Điện Biên.

     Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã được gặp gỡ, trò chuyện cùng cựu chiến binh, Đại tá Đào Duy Nhất ở thôn 6 xã Phú Cát, huyện Quốc Oai một cán bộ hoạt động tiền khởi nghĩa- người chiến sĩ Điện Biên năm xưa để được nghe cụ kể lại những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ và đoàn kết của quân và dân ta.

Ông Đào Duy Nhất, xã Phú Cát say xưa kể chuyện trận đánh ở Hồng Cúm chiến trường Điện Biên Phủ

     Vốn là chiến sỹ tiền khởi nghĩa, với nhiệt huyết và lòng yêu nước CCB Đào Duy Nhất, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai sớm giác ngộ đi theo tiếng gọi của Đảng của Bác Hồ lên đường đi chiến đấu, dành lại độc lập cho dân tộc. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1948, CCB Đào Duy Nhất khi đó mới 20 tuổi đã hăng hái gia nhập quân ngũ. Trải qua khóa huấn luyện ngắn ngủi, xông pha các chiến dịch lớn từ biên giới Cao Bằng- Lạng Sơn đến chiến đấu tại nước bạn Lào trong chiến dịch Thượng Lào. 

     Cầm trên tay những tấm hình xưa, ngày còn là người lính trẻ tình nguyện xung phong ra chiến trường chống giặc, mang trong mình khát khao giải phóng đất nước, đến giờ ký ức về những tháng ngày trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí CCB Đào Duy Nhất. Đặc biệt là ký ức về 5 trận đánh ở mặt trận Hồng Cúm phía Nam Điện Biên Phủ khi cụ đang là Trung đội trưởng Trung đội 7, Đại đội 53 cụ Nhất kể lại: Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía Nam Hồng Cúm. Cụm cứ điểm Hồng Cúm nằm ở phía Nam tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (giữa là cụm cứ điểm Mường Thanh, phía Bắc là phân khu bao gồm các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo), được bao bọc tứ bề là đồng ruộng, từ rìa lòng chảo vào khoảng 3 - 4km; được quân Pháp thiết lập 3 đồn bốt ở hai bờ sông Nậm Rốm với hỏa lực mạnh, có cả sân bay nhằm yểm trợ cho cứ điểm Mường Thanh “khống chế” lòng chảo Điện Biên. “Chiến lược, chiến thuật của quân ta khi đó là bao vây, cô lập cụm cứ điểm Hồng Cúm để chặn quân Pháp từ đây kéo về chi viện cho trung tâm Mường Thanh hoặc chạy sang Lào”. “ Khoảng 9 giờ 25 phút ngày 06 tháng 04 năm 1954, bộ binh và xe tăng của địch lúc đó hình thành ba mũi bắt đầu tấn công vào trận địa đại đội 53. Chúng cho một lực lượng chừng hơn một đại đội cả lính Tây và lính ngụy, cùng ba chiếc xe tăng tiến đánh hướng chính diện trận địa của ta. Hướng thứ hai có thêm cả lính Âu Phi chia thành từng tốp, dàn hàng ngang tiến công vào bên phải trận địa. Nhưng mọi mưu đồ và hành động của chúng đều không qua được những đôi mắt tinh tường của các đài quan sát. Các mũi tiến công của địch tiến đến đâu, đều được các đài quan sát của đại đội thông báo kịp thời, chính xác tới toàn trận địa. Hướng chính diện có hơn một đại đội địch, cùng ba xe tăng, xe bọc thép, ỷ thế mạnh của hỏa lực, chúng hùng hùng hổ hổ tiến vào trận địa của ta cách hàng rào chừng 200 mét. Chờ chúng tiến sát gần lại. Đại đội trưởng Hội hạ lệnh bắn. Mũi bên phải trận địa của ta, địch cho hai trung đội lính Âu Phi tiến công vào trận địa của trung đội 7 do trung đội trưởng Đào Duy Nhất trực tiếp chỉ huy. Ông đã bình tĩnh, linh hoạt, chủ động để địch tiến vào cách chiến hào của ta chừng 25 mét mới hạ lệnh cho đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, diệt hơn 10 tên địch. Song, bọn địch cậy có xe tăng dẫn đường nên hai tiểu đội địch đã chiếm được gần 200 mét hào của trung đội 7. Lúc này, mặc dù trung đội trưởng Đào Duy Nhất vừa bị thương ở cánh tay phải, được băng bó nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Ông ra lệnh cho tiểu đội trưởng hỏa lực Vũ Đình Khoa (quê ở Nghệ An) cũng đã bị thương do một mảnh đạn của địch găm vào bả vai trái, máu chảy rất nhiều, vừa kịp băng xong vết thương, đã nhanh chóng chỉ huy hai khẩu trung liên lao nhanh lên chiếm vị trí có lợi, bắn liên hồi chia cắt đội hình của địch, diệt nhiều tên, chi viện rất hiệu quả cho tiểu đội 8 do tiểu đội trưởng Lê Công Long phụ trách, chiếm lại được hào “râu tôm”. Lúc này quân ta và quân địch giành giật nhau từng tấc đất, từng ụ súng rất quyết liệt. Đến 15 giờ 45 phút cùng ngày thì kết thúc trận đánh. Ta bắt được một số tù binh, thu hơn 10 khẩu súng các loại”. 13 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã được đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba. Nhiều tập thể và cá nhân được đề nghị tặng Bằng khen…

 Lãnh đạo huyện Quốc Oai thừa ủy quyền của Thành phố Hà Nội tặng quà cụ Đào Duy Nhất chiến sỹ trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ

     Cựu chiến binh Đào Duy Nhất là người trực tiếp tham gia chiến đấu tại Hồng Cúm từ đầu chiến dịch chiến dịch đến cuối chiến dịch, mặc dù bị thương ở đầu và cánh tay phải nhưng ông không rời trận địa mà vẫn tiếp tục chỉ huy góp phần tiêu diệt và bắt sống hơn 16.000 tên địch và thu giữ nhiều vũ khí của địch làm cho chiến thắng Điện Biên phủ được trọn vẹn. Như chạm vào những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời, ánh mắt CCB Đào Duy Nhất rạng rỡ khi kể cho chúng tôi về trận đánh cuối cùng ở chiến trường Điện Biên Phủ. 

     Với 55 năm thoát ly gia đình ra đi hoạt động cách mạng, Cụ Đào Duy Nhất có 45 năm liên tục phục vụ trong quân ngũ, tham gia chiến đấu chống các quân xâm lược. Cụ đã cống hiến trọn tuổi xuân cho Đảng cho tổ quốc và Nhân dân. Cụ Nhất đã được Đảng nhà nước tặng thưởng Huân chương quân công hạng Hai, huân chương chiến công hạng Nhất,  huân chương chiến sỹ vẻ vang và giải phóng hạng Nhất… Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng và nhiều Bằng khen và giấy khen giấy khen của các cấp trao tặng và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

     Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Cụ Đào Duy Nhất tiếp tục tham gia con đường binh nghiệp, tham gia công tác tại địa phương nghỉ hưu tại xã Phú Cát. Dẫu ở vị trí công tác nào, thì 56 ngày đêm "mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" ấy vẫn luôn là kí ức ngời sáng, đáng tự hào giúp cho cụ luôn luôn là tấm gương sáng cho các cựu chiến binh, thế hệ trẻ và lớp lớp con cháu noi theo.

   Chiến thắng Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ký Hiệp định Genève chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng. Trở về đời thường, dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ Nhất luôn gương mẫu đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Viết tiếp bản hùng ca bất diệt, người lính cựu binh ngày ngày vẫn đang động viên các thế hệ cháu con phát truyền thống cách mạng tích cực lao động, cống hiến sức người, sức của, xây dựng quê hương, đất nước./. 

Bích Liên