Kinh tế - Chính trị Kinh tế - Chính trị

Lễ Thượng nêu tại chùa Long Đẩu xã Sài Sơn
Publish date 22/01/2025 | 16:47  | Lượt xem: 186

     Sáng ngày 22/1/2025 tức ngày 23 tháng Chạp năm Ất Tỵ, cây nêu mang theo mong ước bình an được chư Tăng, Phật tử chùa Long Đẩu – Sài Sơn, dựng lên để đón một năm mới Ất Tỵ đang đến.

     Lễ thượng nêu chùa Long Đẩu năm nay có sự tham dự của Lãnh đạo xã , cùng chư tăng, phật tử và nhân dân xã Sài Sơn.

Chủ tế chùa Long Đẩu đánh trống trước buổi lễ

Lãnh đạo xã Sài Sơn cùng chư tăng, phật tử làm lễ dựng nêu

     Theo Đại đức Thích Đạo Khuê - Ủy viên ban trị sự, Phó ban thông tin truyền thông Phật giáo Hà Nội, Chánh thư ký ban trị sự phật giáo huyện Quốc Oai cho biết: dựng nêu ngày Tết là phong tục truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, báo hiệu một năm mới bắt đầu và khi hạ cây nêu cũng là lúc người nông dân xuống đồng cày cấy vào mùng 7 tháng Giêng. Lễ dựng nêu hay còn gọi là lễ thượng Nêu, là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu. Lễ thượng nêu được chư Tăng, Phật tử chùa Long Đẩu tổ chức đều đặn vào ngày 23 tháng chạp hàng năm. Khác với mọi năm, cây nêu thường là những cây tre có chiều dài từ 6 đến 7 mét,m được treo dải lụa đỏ dài 3 mét, năm nay nhà chùa dựng nêu có chiều dài 13 mét và treo dải lụa dài 6 mét, cùng với đó là treo cá, khánh bằng gỗ và chuông gió cùng với kết đèn led dọc thân cây nêu với mong muốn năm mới Ất tỵ được may mắn, mọi điều đều hanh thông, tốt đẹp hơn năm cũ.

Thả cá chép tiễn ông Công ông Táo tại hồ Long Trì

     Theo quan niệm truyền thống dân gian, việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa chính là để xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh năm cũ, cầu mong năm mới tốt lành. Trong “Sự tích cây nêu ngày Tết” đại ý kể rằng do quỷ chèn ép người, hàng năm đều thu hết hoa lợi do con người trồng cấy, Phật thấy vậy bèn giúp người trừ quỷ.

Một số hình ảnh dựng nêu tại chùa Long Đẩu

     Phật bảo người trồng cây nêu (dùng một cây tre thật cao), Phật treo chiếc áo cà sa lên đầu ngọn cây và thỏa thuận với quỷ rằng bóng áo phủ đến đâu sẽ là đất do con người quản lý và thu hoạch hoa lợi, phần còn lại thuộc về quỷ. Quỷ đồng ý, Phật dùng thần thông cho bóng chiếc áo phủ khắp mặt đất khiến quỷ không còn chỗ trú thân và bị đuổi ra biển Đông.

     Tuy nhiên, hàng năm chúng vẫn quay về đất liền để tìm tổ tiên và kiếm ăn. Để tránh bị chúng quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ.

 Một số hình ảnh dựng nêu tại tổ dân phố Ngô Sài – thị trấn Quốc Oai

     Cũng trong sáng nay, ngày 23 tháng chạp, cán bộ và nhân dân tổ dân phố Ngô Sài – thị trấn Quốc Oai cũng tổ chức lễ dựng cây nêu tại nhà văn hóa tổ dân phố.

     Trước đây việc dựng cây nêu được thực hiện ở các đình, chùa và hầu hết trong các nhà dân, nhưng do thời gian, những năm gần đây tục này không còn phổ biến, nhiều người trẻ đã không còn biết đến hình ảnh cây nêu ngày tết. Chính vì vậy việc dựng cây nêu góp phần gìn giữ nét đẹp mà ông cha ta từ xưa đã tạo dựng, truyền lại cho thế hệ trẻ, đồng thời cũng như là sự gửi gắm tâm tư, niềm hy vọng của con người về một năm mới tốt lành.

Trịnh Hiệp – Quốc Hưng